Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng, ngân hàng

03-11-2023 19:54 92

(PLVN) - Để nâng cao kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) cần tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn và các cơ quan ban ngành có liên quan để giải quyết dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu .

 

Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương đã ban hành Kế hoạch của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tổng cục THADS đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, kiểm tra, phúc tra trực tiếp các vụ việc tín dụng ngân hàng có giá trị lớn, các vụ việc có giá trị trên 20 tỷ đồng đã ra quyết định thi hành án 03 năm nhưng chưa thi hành xong để kịp thời chỉ đạo và đề ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Ngày 20/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội với nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong đó giao hệ thống THADS rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm thu hồi lớn nhất; đồng thời, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và quy định pháp luật có liên quan và; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất.

Năm 2023, tổng số việc án tín dụng ngân hàng phải thi hành là 39.710 việc với 153.681 tỷ 889 triệu 60 nghìn đồng (chiếm 4,31% về việc và 39,56% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống THADS).

Kết quả, đã thi hành xong 4.963 việc, tương ứng với 21.264 tỷ 978 triệu 924 nghìn đồng (giảm 20,14% về việc và giảm 5,68% so với cùng kỳ năm 2022).

Có nhiều khó khăn vướng mắc trong thi hành án tín dụng, ngân hàng được các cơ quan THADS chỉ ra như: Đa số những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Trong khi đó, thị trường bất động sản hiện đang trầm lắng, ít phát sinh các giao dịch mua bán; thanh khoản từ hoạt động kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn do các Ngân hàng, tổ chức tín dụng siết chặt việc cho vay. Ngoài ra, việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án còn chậm. Từ đó dẫn tới tâm lý e ngại việc mua tài sản của cơ quan THADS.

Một khó khăn khác phải kể đến đó là trình tự, thủ tục xử lý tài sản, nhất là bất động sản còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giải quyết thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh đó, pháp luật về THADS vẫn còn một số kẽ hở, từ đó người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, để khiếu nại, tố cáo, kéo dài thời gian thi hành án. Một số trường hợp hiện trạng tài sản thế chấp không phù hợp, có sai lệch nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng gây khó khăn cho việc xác minh xử lý tài sản.

Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan ban ngành liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm chưa kịp thời, có vụ việc còn chậm, chưa tích cực, kịp thời trong việc cung cấp thông tin tài sản phục vụ cho việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án. Thời gian trả lời xác minh thi hành án của các cơ quan liên quan thường chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ thi hành án.

Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được hệ thống THADS tiếp tục tập trung thực hiện đó là nâng cao kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng, thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, mới đây nhất, Tổng cục THADS đã có văn bản gửi Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục; Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản có liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, chỉ đạo chấp hành viên tập trung rà soát kỹ những vụ việc còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, bảo đảm giá trị tài sản bảo đảm thu hồi hiệu quả nhất. Phân công Lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả tổ chức thi hành án đối với những vụ việc phức tạp, có giá trị lớn. Các cơ quan THADS tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn, VAMC và các cơ quan ban ngành có liên quan để giải quyết dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Top